Tin bài

Loại phòng

Thẻ

Nhớ ngày giỗ Đức Thánh Mẫu cùng nhau về Đền Lăng Sương

Đền Lăng Sương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy tương truyền được xây dựng từ thời Thục An Dương Vương, là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh và thân phụ, thân mẫu của Ngài cùng bộ tướng Cao Sơn, Quý Minh,... Đây là nơi sinh ra Tổ Mẫu Âu Cơ - người Mẹ huyền thoại đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Lăng Sương là nơi thờ gốc và là ngôi đền duy nhất thờ cả gia đình Đức Thánh Tản. 



Đền Lăng Sương là nơi thờ gốc và là ngôi đền duy nhất thờ cả gia đình Đức Thánh Tản


Đền Lăng Sương còn gắn liền với Truyền thuyết Hùng Vương, Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Theo đó, Sơn Tinh là người có công giúp dân trị thủy, khai hóa đất hoang, trồng lúa nước, giết thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm, được nhân dân tôn vinh và coi là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần”, đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến thân mẫu đã mang nặng đẻ đau ra Ngài là bà Đinh Thị Đen và vùng đất thiêng nơi Ngài chào đời là Động Lăng Sương, nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy - tỉnh Phú Thọ.
 
Tương truyền, bà Đinh Thị Đen lấy ông Nguyễn Cao Hành, tuổi đã cao mà chưa có con. Một hôm, có con rồng vàng xà xuống giếng hút nước, nhả ngọc phun châu. Bà Đinh Thị Đen lấy nước về tắm gội, bỗng thấy người nhẹ nhõm, thơm tho, ý động mang thai. Linh vật “đá quỳ” là nơi in dấu chân, bàn tay, đầu gối Thánh Mẫu quỳ  trong cơn “vượt cạn” để sinh Thánh Tản sau 14 tháng mang thai. Tản Viên sau đó được một bà nhận làm con nuôi, cho sang núi Ba Vì tu học thành tài. Khi đã là bộ tướng và là phò mã, Sơn Tinh khuyên Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán để giữ tình đoàn kết, tránh cuộc nội chiến kéo dài không cần thiết rồi về núi Tản sống với vợ là công chúa Ngọc Hoa.
 
Khắc ghi công lao to lớn của Ngài, người dân đã lập đền thờ Tản Viên Sơn Thánh khắp các vùng miền, quanh năm khói hương để tri ân công đức, nhưng chỉ duy nhất Đền Lăng Sương là thờ cả Ngài, thân phụ của Ngài là Nguyễn Cao Hành, thân mẫu của Ngài là Đinh Thị Đen cùng các bộ tướng là Cao Sơn và Quý Minh - người đã có công giúp Tản Viên đánh giặc. Nơi đây còn thờ Ngọc Hoa công chúa là vợ của Thánh Tản, thờ dưỡng mẫu của Thánh Tản là Ma Thị Cao Sơn. Đây còn là địa danh sinh ra mẹ Âu Cơ - người mẹ huyền thoại của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau nên duyên vợ chồng…



 
Nghi thức tế lễ tại ngày giỗ Đức Thánh Mẫu Đền Lăng Sương



Hàng năm, Đền Lăng Sương có hai ngày hội chính trong năm: Ngày 15 tháng giêng là ngày sinh Thánh Tản và ngày 25 tháng 10 âm lịch là ngày Thánh Mẫu về trời. Năm 2005, Đền được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đặc biệt, Lễ hội Đền Lăng Sương cũng vừa được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL, ngày 4/9/2018 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng với sự ủng hộ, công đức của các nhà hảo tâm, những năm gần đây Khu di tích Đền Lăng Sương đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo với số tiền gần 30 tỷ đồng. Khuôn viên của đền ngày một khang trang, du khách đến tham quan, bái lễ ngày càng đông hơn và đây thực sự là một điểm đến tâm linh đầy ý nghĩa của vùng đất Tổ nói chung, Thanh Thủy nói riêng.
 
Sắp tới, vào ngày 01/12/2018 (tức ngày 25 tháng 10 năm Mậu Tuất), Đền Lăng Sương sẽ mở hội đón nhân dân và du khách thập phương về dự Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu, thắp nén tâm nhang, thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức người có công với dân, với nước.
 
Tương truyền xưa kia Gò Đống Bò là một gò đất nằm ngay cạnh Đền Lăng Sương có cây cỏ tốt tươi, lau lách, cây cối rậm rạp. Một năm, vào ngày 24 tháng 10 âm lịch, trước ngày giỗ Mẫu một hôm, từ đâu xuất hiện một con bò to về ở ẩn bên gò đất. Dân làng, trai đinh hò reo săn bắt, giết thịt, làm cỗ dâng lên cúng giỗ Đức Thánh Mẫu nên gò có tên gọi là Gò Đống Bò.
 
Lễ Cáo tế diễn ra từ chiều ngày 24/10 âm lịch, dân làng mổ bò, tẩm ướp thảo mộc, gia vị, rồi lấy một cây tre đực tươi xuyên ngang, đặt cả con lên bếp than hồng để thui cho chín vàng. Sang ngày 25/10 âm lịch, dân làng đặt bò lên cáng cho các trai làng rước từ gò Đống Bò về trước ban thờ làm lễ giỗ Mẫu. Với tất cả lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, lễ cúng giỗ có phần đọc chúc văn, ca ngợi công lao ân đức của Thánh Mẫu. Sau khi cúng tế, bò được xẻ thịt mời dân làng, du khách thập phương thụ lộc, lấy khước, tri ân công lao của Thánh Mẫu đã có công sinh thành đức Thánh Tản - vị thần có công trị thủy, có tài thao lược, phò vua giúp nước, phù hộ muôn dân mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, thiên tai, dịch bệnh không hoành hành, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ an khang thịnh vượng.
 
Lễ hội giỗ Mẫu Đền Lăng Sương là một trong những lễ hội lớn của vùng núi Tản, sông Đà, là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện còn được bảo tồn trên quê hương Đất Tổ. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ con cháu, tri ân công đức các bậc thánh nhân, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong hành trình du lịch về với cội nguồn dân tộc. Du khách gần xa về tham dự Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Đền Lăng Sương không chỉ để cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn mà còn được tìm hiểu thêm về lịch sử của dân tộc. Chị Vũ Thị Bích Nhàn - xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn cho biết: “Năm nào tôi cũng về với lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức của các bậc thánh nhân, cầu bình an, sức khỏe cho cả gia đình... Sau khi làm lễ về thấy tâm mình thật thanh thản, may mắn. Lễ hội cũng là dịp để chúng tôi hiểu thêm và tự hào về truyền thống lịch sử, cội nguồn của dân tộc”.
 
Ông Hà Ngọc Viên - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa, Trưởng Ban Tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Đền Lăng Sương cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu đã hoàn tất, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội, sẵn sàng đón nhân dân và du khách thập phương về tham quan, bái lễ”.
 
Lễ giỗ Mẫu Đền Lăng Sương sắp mở, du khách gần xa hãy một lần đến với xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy để tham gia lễ hội và hiểu hơn về lịch sử của dân tộc. Đến với Thanh Thủy, sau khi tham quan, bái lễ tại Đền Lăng Sương, du khách thập phương còn có thể thăm quan các di tích lịch sử, văn hóa: Đình Đào Xá, Đền Ngọc Sơn, Đền Tam Công, tượng đài chiến thắng Tu Vũ, đặc biệt được tắm mình trong nước khoáng nóng tại các địa điểm nổi tiếng như: Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua, Thanh Lâm resort, Thanh Thủy resort… và thưởng thức các đặc sản của Thanh Thủy - một miền quê phong cảnh hữu tình, giàu tiềm năng du lịch, con người nhân ái, chan hòa và giàu lòng mến khách.
 

(Theo: Trọng Hòa - http://thanhthuy.phutho.gov.vn/)

Bình luận

CHUYỂN LỜI NHẮN ĐẾN CHÚNG TÔI

Để nhận ưu đãi lớn cho đặt phòng trực tiếp!

Đặt phòng ngay
0987.887.999