Tin bài

Sau một năm Hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

PhuthoPortal - Còn nhớ cách đây một năm, ngày 8/12/2017, người dân Đất Tổ vỡ òa trong niềm vui khi chứng kiến phút giây UNESCO gõ búa thông qua Nghị quyết công nhận đưa Hát Xoan ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

 

IMG-0311.jpg

Nghệ nhân Hát Xoan Nguyễn Xuân Hội và Lê Thị Kiều Nga vẫn luôn miệt mài truyền dạy di sản Hát Xoan cho các thế hệ trẻ

Một năm qua, người dân đất Tổ và các cấp chính quyền địa phương càng ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị để di sản Hát Xoan trở thành tài sản chung của nhân loại đúng như những gì mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu tại Lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh “Hát Xoan Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: “Các ngành, các cấp và cộng đồng cùng chung tay thực hiện thật hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan, để Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa đúng với ý nghĩa bản sắc rất tốt đẹp, rất đặc sắc vốn có”.

Ngay sau khi được công nhận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2018 - 2023. Hiện nay, tỉnh tiếp tục xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan đến năm 2025. Khi Hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị sẽ khác so với giai đoạn là di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Trước đây, khi là di sản cần bảo vệ khẩn cấp, nhiệm vụ quan tâm hàng đầu là làm sao để di sản tồn tại và không bị biến mất. Bởi vậy, tỉnh đã tập trung công tác phục hồi, tu bổ di tích và đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận. Đến nay, toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản Hát Xoan tại các phường Xoan đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh; 20/30 di tích không gian văn hóa thực hành Hát Xoan được tu bổ, tôn tạo, phục hồi đáp ứng yêu cầu thực hành di sản Hát Xoan; các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan được duy trì và phục hồi tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay đã có gần 100  nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận.

Khi Hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các nội dung trên vẫn tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên việc tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản lại là nhiệm vụ trọng tâm hơn. Một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu hiện nay là khuyến khích và hỗ trợ nghệ nhân và các phường Xoan tổ chức truyền dạy, trình diễn, trao truyền Hát Xoan.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội - phường Xoan Phù Đức chia sẻ: Một năm qua, từ khi Hát Xoan trở thành di sản đại diện của nhân loại, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực bảo tồn, truyền dạy di sản cho các thế hệ trẻ, để đưa Xoan lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng xã hội. Ở các làng Xoan cổ hiện đã hình thành ba thế hệ Hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ đầy triển vọng. Đây chính là lực lượng nòng cốt, có thể thay thế các nghệ nhân cao niên để tiếp tục truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị của Hát Xoan.

Phuong-An-Thai-3.jpg

Phường Xoan An Thái biểu diễn Hát Xoan tại đình An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì

Hát Xoan cũng được đưa về cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ câu hát có từ thời Hùng Vương. Từ các phường Xoan gốc, khúc hát môn đình lan tỏa khắp 13 huyện, thị, thành. Toàn tỉnh hiện có 34 câu lạc bộ cấp tỉnh với trên 1.500 người tham gia thực hành Hát Xoan. Hát Xoan còn được thực hành ở 64 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp huyện và 42 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp xã. Để hỗ trợ các phường Xoan gốc, các câu lạc bộ, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truyền dạy và thực hành. Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã cấp hỗ trợ gần 300 triệu đồng cho 4 phường Xoan gốc và thành phố Việt Trì cấp bổ sung 25 triệu đồng cho mỗi phường.

Trùm phường Xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga cho biết: Chúng tôi rất vui mừng khi được tỉnh, thành phố quan tâm, hỗ trợ các phường Xoan gốc. Với nguồn kinh phí đó, chúng tôi đã mua sắm đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, kinh phí truyền dạy, tham gia biểu diễn, giúp phường hoạt động tốt hơn.

Đặc biệt, trong năm qua, tỉnh đã tiếp tục nghiên cứu tư liệu hóa các bài Hát Xoan, trong đó đã hoàn thành ký âm 31 bài Xoan cổ của 3 chặng hát. Từ các lời hát của các nghệ nhân, những nhà nghiên cứu âm nhạc đã ký ra thành các nốt nhạc, dựa trên các bản nhạc đó các thầy cô giáo dạy nhạc sẽ hướng dẫn học sinh hát đúng làn điệu. Đồng thời, sản xuất các đĩa VCD, DVD ghi lại những hình ảnh Hát Xoan do các nghệ nhân phường Xoan gốc biểu diễn để hỗ trợ các giáo viên dạy đúng động tác. Đây chính là các tài liệu rất quan trọng để phục vụ cho công tác giảng dạy trong các nhà trường được tốt hơn, bài bản hơn. 

Việc ghi nhận những đóng góp, công lao của những nghệ nhân đã gắn bó cuộc đời với sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị Hát Xoan tiếp tục được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ cho 14 nghệ nhân, nâng tổng số nghệ nhân Hát Xoan lên 66 nghệ nhân. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng và gửi hồ sơ để đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, trong 21 hồ sơ gửi xét tặng, có 17 hồ sơ là của nghệ nhân Hát Xoan.

Một trong những giải pháp thiết thực mà tỉnh triển khai thời gian qua để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan là gắn với phát triển du lịch, đưa Hát Xoan thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2018, sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” và tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ đã tạo nên một sản phẩm du lịch mới đặc trưng, phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tính từ đầu năm đến nay, các điểm, tour du lịch này đã đón trên 13 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị di sản Hát Xoan tại các di tích Miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đình An Thái, đình Kim Đới và các di tích liên quan đến Hát Xoan.

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hội thảo để đánh giá giá trị di sản; thực hiện các chương trình quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng  và quảng bá phát triển du lịch về giá trị của di sản Hát Xoan. Đồng thời sẽ xây dựng các bộ phim tư liệu về Hát Xoan; tổ chức tạo không gian lan tỏa của Hát Xoan bằng cách đẩy mạnh giảng dạy Hát Xoan trong nhà trường, qua đó để có được lớp công chúng trẻ tuổi hiểu, yêu và cảm thụ được Hát Xoan.

Hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ. Đi cùng với niềm tự hào ấy, trong suốt một năm qua, tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc tích cực, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy di sản quý báu này. Hát Xoan ngày nay không chỉ ngân vang nơi những mái đình cổ kính, mà đã ngân vang trên khắp các làng quê đất Tổ.

(Theo: Hương Giang - https://www.phutho.gov.vn)

Bình luận

CHUYỂN LỜI NHẮN ĐẾN CHÚNG TÔI

Để nhận ưu đãi lớn cho đặt phòng trực tiếp!

Đặt phòng ngay
0987.887.999